TRUYỆN KỂ BÁC HỒ: “BÁC HỒ VỚI TIẾNG NGA”

Lượt xem:

Đọc bài viết

BÁC HỒ VỚI TIẾNG NGA

“Ông Nguyễn được dẫn đến Khách sạn Quốc tế (…), ông Nguyễn rất bằng lòng được ở một khách sạn rộng rãi, ăn uống đầy đủ, sách báo không thiếu”.

Ông Nguyễn bắt đầu học tiếng Nga.

Hai ngày sau, một người Pháp trẻ tuổi, Pôn, đến tìm ông Nguyễn. Đây là một người bạn thân của ông Nguyễn (…)

– Anh đấy ư? – Pôn hỏi.

-Vâng, tôi đây – ông Nguyễn trả lời.

-Anh làm thế nào mà đến được?

-Như lệ thường thôi, bằng cách bí mật.

-Anh đến đây vào lúc đang buồn. Lênin vĩ đại vừa mới mất (…). Anh thấy xứ này thế nào?

-Tôi thấy rất rét. Ngoài ra không biết chuyện gì khác, vì tôi đã hứa với người cán bộ là không ra khỏi khách sạn.

– A! Đúng thế, ở đây rất nghiêm ngặt, vì có nhiều do thám ngoại quốc tìm cách lọt vào nước này.

– Còn anh Pôn, anh làm gì ở đây?

– Suýt nữa tôi quên nói cho anh biết nhiệm vụ của tôi. Chính bác Casanh đã bảo tôi đến đây xem có đúng anh không, và đưa anh đến Mạc Tư Khoa.

– Thế thì chúng ta đi ngay. Tôi không muốn mất nhiều thì giờ ở khách sạn này , mặc dầu thịt rán và thuốc lá rất ngon.

– Gavaris po russki? (Anh biết nói tiếng Nga rồi sao?)

– Đa! (Vâng)”.

Qua một số câu đối thoại trên đây, ta thấy Bác bắt đầu học tiếng Nga lúc mới đặt chân lên đất nước Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại. Trải qua bao nhiêu nguy hiểm, gian lao, đến khách sạn này bình thường ra mà nói, người ta phải nghỉ ngơi một thời gian, thế nhưng Bác đãtranh thủ học tiếng Nga. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Bác đã nghe và nói được một số câu thường dùng trong đời sống hàng ngày. Đó là một điều làm anh bạn thân của Bác phải ngạc nhiên. Cũng với tinh thần ham học hỏi đó, mà trước sau trong khoảng 5 năm ở Liên Xô, Bác đã có thể nắm được khá thành thạo thứ tiếng thuộc dòng Slavơ này, thứ tiếng mà có lần bác nói là “khó đọc lắm!”. Ta hiểu rằng tiếng Nga là một thứ tiếng khác xa với tiếng Việt, Hán và cả tiếng Anh, Pháp nữa. Nói chung chẳng có gì gần với tiếng Việt. Có người đã nói vui rằng: học xong sáu cách thì có một cách thứ bảy nữa là “cách chuồn!” để chỉ những ai đó học tiếng Nga không bền bỉ, thiếu quyết tâm. Nếu cố gắng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua được.

Anh hùng lao động Đỗ Chanh, người đã vinh dự được gặp Bác đã kể lại rằng:

Cuối tháng 4 năm 1956, khi kết thúc khóa học, anh chị em lớp cán bộ công nghiệp sắp đi thực tập ở nước ngoài vào thăm Bác. Bác hỏi lớp bao nhiêu người, có khỏe không, vui không…

– Các cô, các chú đi Liên Xô thì có được học tiếng Nga không?

– Có ạ.

– Học mấy tháng?

– Thưa Bác, bốn tháng ạ.

– Học có tốt không?

Tất cả ngập ngừng, không ai dám trả lời. Bác chỉ mỉm cười, chỉ một đồng chí ngồi gần:

– Chú nói xem nào: “ăn”.

Chả biết lúng túng thế nào, đồng chí đó phát âm sai, tiếng “ăn” gần như tiếng “tắm”. Tất cả cười, Bác cũng cười vui.

Bác có kinh nghiệm về học và dùng tiếng nước ngoài. Đó là một điều chắc chắn, riêng tiếng Nga chẳng hạn, Bác đều luôn lưu ý học và dùng tiếng Nga trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Thời kỳ ở Liên Xô (từ năm 1933 đến năm 1938) là thời kỳ Bác có điều kiện trau dồi tiếng Nga hơn cả. Bác vào học trường bổ túc các lãnh tụ do Quốc tế Cộng sản mở. Bác lấy tên là Linốp, giống với tên gọi Nga. Khi viết bài bằng tiếng Pháp để gửi về nước, Bác lại lấy tên là Lin cho hợp với tên gọi Pháp. Bác cũng làm việc ở Viện Nghiên cứu lịch sử phương Đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Theo đồng chí Nguyễn Khánh Toàn thì “Bác vào trường Lênin là trường Đảng cao cấp cho các lãnh tụ các nước ngoài”, rồi sau chuyển hẳn sang Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Bác vào lớp học nghiên cứu sinh Ban Sử học của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Bác cũng đồng thời “nhận phiên dịch ra tiếng Việt tài liệu”.

Bác đã từng viết rất nhiều bài cho một số báo chí Liên Xô như Đời sống công nhân Balinxki, tiếng còi, tạp chí Đỏ, Thời mới, Sự thật…Bác cũng từng đi nhiều nơi trên đất nước rộng lớn nhất thế giới này, từng tiếp xúc với nhiều người, nhiều tầng lớp. Vì thế Bác nói và nghe được tiếng Nga.

Theo nhà báo Thép Mới, người được đi cùng với Bác sang thăm Liên Xô năm 1955, thì một đồng chí ở Mạc Tư Khoa cho rằng: Từ trước đến nay những người nổi tiếng trên thế giới đến Liên Xô mà nói được tiếng Nga có đồng chí Môrít Tôrê (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp), nhà nghệ sĩ da đen người Mỹ Pôn Rốpsơn và nay có đồng chí Hồ Chí Minh nữa là ba.

Bác đã sang thăm lien Xô nhiều lần, đi nhiều nơi, đến đâu cũng nói một ít tiếng Nga. Riêng trường “Ngoại ngữ Hồ Chí Minh” ở Iếckút, Bác đã đến thăm mấy lần. Đây là một học viện dạy tiếng nước ngoài của Liên Xô mang tên Bác vào cuối năm 1969 và là trường kết nghĩa với Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhà trường còn giữ lại nhiều kỷ niệm đẹp về Bác. Các đồng chí Liên Xô vẫn còn nhắc lại với lòng xúc động về những buổi gặp Bác xưa kia. Chính tiếng nước ngoài mà Bác đã dùng làm tăng thêm bầu không khí ấm cúng trong tình đoàn kết quốc tế đó.

  1. Cácmen, nhà điện ảnh Liên Xô, người làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, đã được gặp Bác trong một căn nhà nhỏ ở Việt Bắc. Bác nói chuyện với Cácmen bằng tiếng Nga:

– Cụ học tiếng Nga như vậy có khó khăn không?

– Người cách mạng phải biết tiếng nói của Lênin!

M.Giulápxki, nhà văn và là nhà báo Ba Lan sang thăm Việt Nam, được gặp Bác nhiều lần. lần Giulápxki bước vào một căn nhà lợp rạ, tường quét vôi trắng, ông chưa kịp uống nước thì Bác bước vào và chào bằng tiếng Nga. Buổi nói chuyện than mật bắt đầu. Bác ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch nữa, rồi ngồi nghe đồng chí phóng viên báo Sự thật (Liên Xô) nói chuyện. Đôi khi Bác trả lời lại bằng tiếng Nga. Thỉnh thoảng Bác còn nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên tạp chí Đoàn kết (Unita), cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Ý; bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân (Worker), cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Mỹ. Tất cả những người nước ngoài có mặt hôm ấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên, khâm phục. Dường như đoán được điều đó, Bác mỉm cười nói bằng tiếng Pháp:

– Các nhà báo nước ngoài thường hay kể những chuyện phóng đại về tôi. Nhưng cũng có những chuyện đúng. Khi còn trẻ tôi có làm bồi bếp trên tàu, có đến Mỹ, Anh, Đức. Tôi cũng đã từng sống ở Pari và bắt đầu hoạt động cách mạng cũng các đồng chí Pháp.

Nhiều lần tôi qua Liên Xô, Trung Quốc. Ở đâu tôi cũng được công nhân dạy cho tiếng của nước họ. Tôi sống cùng với công nhân ở Ý, rồi ở cả châu Mỹ nữa…

Đới Hoàng, một nhà văn Trung Quốc, tác giả cuốn hồi ký “Ghi lại những ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh” cũng nói lên những cảm tưởng tương tự. Nhưng thời gian xảy ra trước buổi gặp mặt trên ít tháng và không gian là một địa điểm kín đáo trong rừng sâu Việt Bắc. Đó là bữa tiệc liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Đới Hoàng có nhiều ấn tượng đẹp đẽ về Bác, trong đó việc sử dụng tiếng nước ngoài của Bác là một “ấn tượng” sâu sắc, Bác đã dùng tiếng Nga, tiếng Pháp thăm hỏi tình hình sinh hoạt của các bạn bè quốc tế, hỏi về việc ăn uống, nhà ở, khí hậu ở rừng xứ nóng, đường sá khô ướt ra sao…Lúc nói với Đới Hoàng, Bác lại dùng tiếng Hán.

Bữa tiệc diễn ra trong bầu không khí tưng bừng náo nhiệt. Ai cũng muốn vui chung, muốn nói lên những cảm nghĩ đang rạo rực trong lòng mình, nhưng rồi đành chịu ngồi yên vì vướng phải “hàng rào ngôn ngữ”. Dường như đoán được điều đó, Bác nói “Nào các đồng chí có gì cứ nói hết đi, tôi làm phiên dịch cho các đồng chí”. Bác nhắc nhở mọi người ăn, giục “cạn chén”, “không được làm khách”. Câu nào cũng nói bằng đủ các thứ tiếng Nga, Hán, Pháp…

Trong thiên hồi ký của mình, Đới Hoàng cũng khâm phục nhắc đến việc Bác thường trực tiếp đọc và dịch những tác phẩm của chủ nghĩa Mác – Lênin, và đã dịch cuốn tiểu thuyết “Tỉnh ủy bí mật” của Liên Xô (tiếng Nga) sang tiếng Việt.

Lại nữa, có lần đoàn chuyên gia các nước anh em vào chúc tết Bác. Vì trường hợp đặc biệt nên lần này không có phiên dịch. Thấy mọi người có vẻ lúng túng, Bác mỉm cười bảo: “Thôi được, Bác sẽ dịch cho!”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói đến đâu, Bác dịch đến đấy bằng các tiếng Nga, Hán, Anh, Pháp. Các đồng chí chuyên gia nhìn Bác với vẻ khâm phục, trìu mến. Không khí càng thêm chan hòa, thắm tình hữu nghị anh em. Sau buổi tiếp khách, Bác bảo: Dịch không phải dễ đâu, tiếng nói là phải chính xác. Bác kể một đồng chí phiên dịch đã dịch câu “Chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe, sống lâu” sang tiếng Việt là “Chúc Hồ Chủ tịch bách niên giai lão!” (Câu dùng để chúc cô dâu, chú rể trong các đám cưới. Tất cả mọi người có mặt đều phá lên cười vui vẻ, đồng thời ai nấy đều hết sức thấm thía những lời khuyên của Bác..

Bác thường dùng tiếng Nga để tiếp khách, nói chuyện thường chỉ dùng một số câu, nhưng cũng có khi Bác trò chuyện khá lâu với các đồng chí Liên Xô. Hai mẩu chuyện sau đây đã chứng tỏ điều đó.

Tơrachiacốp, thuyền phó thứ nhất tàu Giắcginxki (Liên Xô) phát biểu rằng: ngày 30-5-1957 là một ngày rất vui mừng của thủy thủ tàu này vì đồng chí Hồ Chí Minh đã tới thăm tàu, đặc biệt là “trong cuộc nói chuyện thân mật với anh em thủy thủ, đồng chí Hồ Chí Minh luôn dùng tiếng Nga, mà không cần phiên dịch, chúng tôi rất vui sướng khi thấy người nói tiếng Nga một cách thông thạo”.

Xécgâyđôrốp, Trưởng ban thuộc Viện Nghiên cứu toàn Liên bang về nghề đánh cá biển và bản đồ đại dương của Liên Xô đang công tác ở Việt Nam, đã đến gặp và trò chuyện thân mật với Bác vào một ngày gần cuối năm 1959. Trong thiên hồi ký viết mười năm sau, đồng chí cảm thấy sâu sắc rằng: Dù các buổi gặp gỡ có trôi qua theo năm tháng đi nữa, nhưng đồng chí vẫn nhớ những chi tiết nhỏ nhất của bầu không khí vô cùng ấm cúng và thân thiết mà Người đã tạo nên.

Những câu hỏi, những lời nhận xét của Người chứng tỏ rằng hiểu biết rất rõ, rất sâu sắc ngay cả các vấn đề nghiên cứu khoa học về biển, về đại dương”. “Đồng chí Hồ Chí Minh hỏi chuyện chúng tôi bằng tiếng Nga rất thạo”.

Tiếng nói đó cũng góp phần làm tăng thêm bầu không khí đoàn kết hữu nghị giữa các nước anh em. Nhà báo Úc Mancôm Xanmơn (đã từng dạy tiếng Anh ở Hà Nội hơn 3 năm), khi được tin Bác mất đã nhớ lại quang cảnh tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, diễn ra hồi 9 năm về trước. Xanmơn thấy Bác tươi cười từ trong hội trường đi ra, hai tay quàng vai hai người đi hai bên, đó là đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô sang dự Đại hội lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam, và đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc. “Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hoạt bát. Cụ quay sang bên này nói bằng tiếng Trung Quốc, lại quay sang bên kia nói bằng tiếng Nga. Dáng người mảnh dẻ của Cụ có sức hấp dẫn hai vị khách. Cảnh tượng đẹp đẽ ấy diễn ra ngay trong ngày bế mạc Đại hội, lúc các đại biểu chia tay nhau ra về”.