Truyện kể Bác Hồ: “Đón Vua hay đón Bác?”
Lượt xem:
Hồi còn bé, tôi được thấy một lần nhân dân huyện Thiệu Hóa tổ chức đón Bảo Đại đến khánh thành trường tiểu học của huyện.
Không biết thợ ở đâu về, họ dựng cổng chào bằng gỗ, bằng mây, bằng cành dừa, đan, cài hoa lá, viết chữ, treo cờ, giăng đèn rất công phu… Các quan sở tại từ các xã xa về, mũ áo thụng xanh, giày hia xúng xính chắp tay chờ đợi. Lính tráng súng ống canh gác nghiêm ngặt. Trông đến lạ mắt…
Lớn lên theo cách mạng, tôi được chứng kiến một số lần các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội nghị đón Bác…
Lần Bác đến dự lễ kỷ niệm thành lập Quân đội ở nhà khách quốc tế trên đường Phạm Ngũ Lão. Bác từ một chiếc xe không được đẹp lắm bước xuống, anh em chúng tôi quên cả kỷ luật chạy ra vây lấy Bác. Mấy đồng chí bảo vệ xô bật chúng tôi ra. Bác chỉ nói nhẹ nhàng:
- Các cháu để Bác đi. Các chú đừng làm thế.
Lần vào Vinh, sáng sớm, hoa trong vườn tươi là thế mà mới 9, 10 giờ đã rũ xuống làm cho các vị chủ nhà héo hắt cả ruột gan.
Bác ra vườn, cầm cây hoa nhổ lên. Thì ra không phải là cây hoa trồng mà mới cắm… Bác cũng nhẹ nhàng nói:
- Không nên làm thế…
Năm 1953, Trung ương Hội Phụ nữ mời Bác đến thăm. Chị em hô hào quét nhà trong, vườn ngoài, đầu cổng sạch sẽ. Các chị căng một khẩu hiệu cắt dán chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” nhưng không dán các dấu. Lại làm một cổng chào kết lá, cài hoa rừng… Ai cũng bảo nhau mặc quần áo thật đẹp rồi xếp hai hàng, từ cổng vào nhà như kiểu “hàng rào danh dự”, hồi hộp, chờ đợi…
Sương sớm Việt Bắc đã tan, trời đã đẹp. Chờ mãi không thấy khách đến. Chủ tịch Hội đã sốt ruột hết đi ra, lại đi vào. Bỗng có tiếng báo:
- Chị Xuyến ơi! Bác ở trong này rồi!…
Thế là hàng rào danh dự tan! Ùa vào trong nhà đã thấy Bác đang thăm vườn rau, giếng nước… Bước ra cổng, Bác nói:
- Chào các cô, các cháu. Vào nhà thấy vắng. Bác đoán ngay là tất cả ở ngoài này.
Nhìn lên khẩu hiệu, Bác cười:
- Tiếng Việt ta có dấu, phát âm rất hay, phân biệt rõ ràng. Dán chữ thế này đọc thế nào cũng được, sai ý của mình đi.
Vào đến hội trường Bác hỏi:
- Các cô đón ai thế?
Mọi người ngớ ra, không rõ ý Bác là thế nào.
- Thưa Bác, đón Bác đấy ạ!
Bác ôn tồn nói:
- À ra thế. Các cô đón Bác, chứ có phải đón ông vua, ông quan nào đâu mà sửa soạn trang trí cầu kỳ như thế!…
Nghĩ thương các chị mất vui, Bác “rẽ” sang chuyện khác, khen:
- Sạch sẽ, gọn gàng thường xuyên hay chỉ được hôm nay thôi đấy!…
Bấy giờ các chị em mới dám “bắt chuyện”:
- Dạ thưa Bác, thường xuyên ạ.
Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận.
Hồi Bác Hồ ở Pắc Bó, để giữ bí mật, nước được đựng trong những ống dài để trong hang. Trừ những khi ốm đau, sáng nào Bác cũng đi “kỉn” nước (Tiếng Tày “kỉn” là lấy).
ông nước là một ống luồng, hoặc bương (loại tre lớn) sẵn trong rừng, đục thông các “mắt” lấy dây thừng hay mây buộc lại đầu trên và dưới, để gánh bằng đòn. Có ống không cần buộc dây, để vác trên vai.
Một sáng sớm, trời còn sương, mặt trời chưa tỏ, Bác và một đồng chí bảo vệ, mỗi người hai ống trên vai, ra suối “kỉn” nước. Bác đặt chân nhẹ nhàng lên các hòn đá, vục ống xuống lấy đầy nước, dựng vào một hòn đá, khỏa nước rửa chân tay. Đồng chí bảo vệ tuy là người miền núi, địa phương nhưng bước đi không vững, trên vai lại ống nước nặng, đặt ống không thăng bằng, nên vấp đá, chẳng may trượt ngã.
Bác đến nâng đồng chí dậy, dạy cách đặt, cách vác ống nước, cách đi trên đá. Rồi hai Bác cháu ra về.
Lên bờ, Bác nói:
“Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận cháu ạ”.