TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II
Lượt xem:
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II họp từ ngày 23 – 27/2/1961, tại Trường Thương nghiệp – Hà Nội, (gần Cầu Diễn, cách trung tâm Hà Nội 5 km, trên đường đi thị xã Sơn Tây). Tổng số đại biểu về dự Đại hội có 752 người, trong đó có 666 đại biểu chính thức và 86 đại biểu dự khuyết. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội đã quyết định lấy thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Huấn thị của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng, nhiệm vụ công tác Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II khẳng định: “Sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN có ý nghĩa quyết định rất lớn đối với sự phát triển thắng lợi của cách mạng nước ta, đồng thời bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng tiên phong và phát huy tác dụng tích cực của Công đoàn trong mọi mặt hoạt động kinh tế – xã hội”.
Đại hội đã chỉ ra nhiệm vụ chung là: “Đoàn kết, tổ chức, giáo dục toàn thể công nhân viên chức, phát huy khí thế cách mạng, khí thế làm chủ và tính tích cực sáng tạo của quần chúng làm cho quần chúng mau chóng nắm vững kỹ thuật tiên tiến, để hoàn thành thắng lới sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, trước mắt là thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miến Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc”.
Đại hội nêu ra luận điểm Công đoàn là trường học chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của giai cấp công nhân. Không ngừng nâng cao giác ngộ XHCN, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ của công nhân, viên chức là chức năng nhiệm vụ của Công đoàn.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều trong đó qui định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp công đoàn. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam mới gồm 54 ủy viên chính thức, 11 ủy viên dự khuyết. Đoàn Chủ tịch gồm 19 người: Hoàng Quốc Việt, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Công Hòa, Bùi Quỳ, Nguyễn Văn Điệp, Nguyễn Hộ, Hà Văn Tính, Trương Thị Mỹ, Trịnh Công Song, Nguyễn Đức Tính, Trần Đại Lý, Hồ Sỹ Ngợi, Lê Văn Cơ, Ngụy Như Kon – Tum, Trần Anh Liên, Nguyễn Khai (Nguyễn Mậu), Trần Bảo, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Minh. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Ban Thư ký gồm có 9 người: Bùi Thế Dương, Nguyễn Minh, Nguyễn Đăng, Trần Danh Tuyên, Bùi Quí, Nguyễn Văn Điệp, Nguyễn Hộ và Hà Văn Tính. Đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
Theo congdoan.vn